CHIA SẺ

Thursday, October 3, 2019

CÁC LOẠI SÂU BỆNH THƯỜNG GẶP TRÊN CÂY THÔNG BA LÁ

Quản lý và phòng trừ sâu bệnh gây hại cho Rừng Thông Ba Lá là vấn đề nhiều người dân trồng rừng thông quan tâm. Đặc biệt, các Rừng Thông ở Lâm Đồng nơi thường xuyên bị sâu bệnh tấn công và làm giảm năng suất của cây. Để phòng trừ sâu bệnh hiệu quả cho Rừng Thông Ba Lá, người trồng cần thực hiện theo quy trình tổng hợp và tuân thủ nghiêm ngặt theo đúng các hướng dẫn kĩ thuật.


Các loại sâu bệnh thường gặp trên Cây Thông Ba Lá

Mời Bạn đọc cùng chúng tôi tìm hiểu về một số loại sâu bệnh và biện pháp phòng trừ: Ong Ăn Lá, Xén Tóc Đục Thân, Sâu Đục Ngọn, Bọ Hung Nâu, Sâu Xám, Bệnh Héo Rũ, Bệnh Thối Cổ Rễ, Bệnh Rơm Lá, Bệnh Vàng Còi… thường xuyên gây hại Rừng Thông.

Các loại sâu bệnh hại Thông Ba Lá trừ được bằng biện pháp canh tác

Cây giống: Chỉ lựa chọn và sử dụng cây giống đủ tiêu chuẩn xuất vườn, sạch bệnh. Nếu phải mua giống nên chọn các cơ sở gieo ươm có chất lượng, cây giống tốt. Không Mua Cây Giống ở những vườn ươm đã nhiễm bệnh chưa được xử lý.

Ngoài ra, người trồng cần tuân thủ theo đúng các bước chuẩn bị đất trồng, làm đất, đảm bảo mật độ trồng cho phép, trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật cho Rừng Thông. Việc thường xuyên làm cỏ, tỉa thưa, cung cấp đủ chất dinh dưỡng, nước cũng là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu cho cây trồng.

Nếu rừng bị nhiễm bệnh trong giai đoạn nuôi dưỡng mà chưa được tỉa thưa, thì kết hợp tỉa thưa và phải đốt dọn vệ sinh thảm thực bì, tạo đầy đủ ánh sáng cho rừng phát triển tốt hạn chế các loại bệnh như: Bệnh Phấn Trắng, Bệnh Bồ Hóng,…

Nếu trên cành nhỏ, tán lá mà bị nhiều muội đen, Bồ Hóng thì có thể pha nước xà phòng phun kỹ trên tán sẽ làm cho Nấm Bồ Hóng bong và trôi đi hết, nhất là kết hợp với đợt mưa. Kết hợp kỹ thuật đốt trước, hun khói để tiêu diệt sâu non, các loài sâu hại


Các loại sâu bệnh hại Thông Ba Lá trừ được bằng biện pháp canh tác

Các loại sâu bệnh hại Thông Ba Lá trừ được bằng biện pháp sinh học

Người trồng Thông Ba Lá cần chú ý bảo vệ các loài thiên địch sẵn có trên rừng trồng thông 3 lá như: Nhện, Kiến, Ong Ký Sinh, Ong Cự… Ngoài ra Chim, Bọ Ngựa cũng góp phần tiêu diệt sâu non, sâu trưởng thành của một số loài sâu hại như: Xén Tóc, Ong Ăn Lá, Sâu Đục Ngọn Thông…

Bảo vệ các tầng cây bụi thảm tươi, hạn chế phun thuốc hóa học, tăng cường sử dụng thuốc sinh học như chế phẩm sinh học góp phần giảm ô nhiễm môi trường.

Ong Ăn Lá Thông: Khi mật độ sâu non cao có khả năng phát dịch dùng chế phẩm sinh học phun ướt toàn bộ bộ tán lá. Nên phun chế phẩm vào lúc chiều mát.

Bệnh Thối Cổ Rễ: Khi mới trồng 1 đến 2 năm đầu cây bị nhiễm bệnh có thể dùng chế phẩm sinh học bón trực tiếp vào xung quanh gốc cây hoặc pha theo liều lượng phun kỹ lên cây.

Các loại sâu bệnh hại Thông Ba Lá trừ được bằng biện pháp vật lý cơ giới

Bẫy Dính Ong Ăn Lá: Do sâu non có tập tính di chuyển xuống gốc cây để hóa nhộng nên có thể sử dụng biện pháp ngăn chặn sâu non của Ong Ăn Lá bằng vòng dính, để vòng dính phát huy hiệu quả cao phải được bôi kín toàn bộ vùng thân cây cách mặt đất 1,3m với bề rộng 8-10cm.


Các loại sâu bệnh hại Thông Ba Lá trừ được bằng biện pháp vật lý cơ giới

Bắt giết thủ công: Ong Ăn Lá Thông vào kén ở phần gốc cây, tầng cây bụi và thảm thực bì, do đó có thể huy động nhân lực tham gia vào việc bắt giết thủ công. Bọ Hung Non tập trung xung quanh gốc cây cắn phá rễ có thể đào bắt và tiêu diệt thủ công

Mồi nhử: Đặt bẫy trưởng thành Xén Tóc, Bọ Hung Nâu lớn, Bọ Hung Nâu nhỏ bằng cách chặt cây tươi, phân chuồng tươi để dẫn dụ trưởng thành đến đẻ trứng sau đó thu bẫy đốt hoặc ngâm nước để diệt trứng và sâu non. Thời gian thích hợp nhất từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 5 và cuối tháng 8 đến giữa đầu tháng 10.

Bẫy đèn: Một số côn trùng có tính xu quang do đó ban đêm dùng bóng đèn để thu hút con trưởng thành tiêu diệt như: các loài Bọ Hung, Xén Tóc, Sâu Róm.