CHIA SẺ

Wednesday, October 2, 2019

KỸ THUẬT TRỒNG CÂY THÔNG BA LÁ

Cây Thông Ba Lá thường được trồng thành rừng để thu hoạch tinh dầu và gỗ. Kỹ thuật trồng Cây Thông cũng đơn giản như những loại Cây Lâm Nghiệp khác. Tuy nhiên, khi trồng Bà con cần nắm vững các kỹ thuật ươm trồng, tuyển chọn cây giống, xử lý đất trồng, mật độ trồng và kỹ thuật trồng để đảm bảo tỉ lệ sống của Rừng Thông cao nhất có thể.


Kỹ thuật trồng Cây Thông Ba Lá

Chuẩn bị cây giống

Cây Thông Ba Lá con thường được ươm trong bầu. Cây con đem trồng ở Miền Bắc khi 4-6 tháng tuổi, Miền Nam 6-9 tháng; cây cao 15-20cm, đường kính cổ rễ 0,3-0,4cm, lá xanh đậm, rễ phát triển đều, không bị sâu, bệnh.

Bầu đất: Vỏ bầu bằng PE thủng đáy, rộng 6-7cm, cao 11-12cm. Ruột bầu tốt nhất là đất mặt của Rừng Thông Ba Lá, đất phải đập nhỏ, trộn với 1% supe lân. Nơi không có Rừng Thông Ba Lá thì lấy đất ở tầng mặt (0-30cm) trên có thực bì là cây tế guột (75%) + phân chuồng ủ với lân supe hoai mục (24%) + supe lân đập nhỏ (1%)


Chuẩn bị Cây Giống Thông Ba Lá

Thời vụ trồng Thông Ba Lá

Các tỉnh Miền Bắc nên trồng Thông Ba Lá vào vụ thu (tháng 8-10) hoặc xuân (tháng 2-4). Từ Nghệ An trở vào nên trồng vào vụ thu. Các tỉnh Miền Nam trồng vào đầu mùa mưa.

Mật độ trồng Thông Ba Lá: Nếu trồng lấy gỗ thì 2.500-3.000 cây/ha; trồng làm nguyên liệu giấy, bảo vệ đất 4.000 cây/ha.

Trồng rừng sản xuất Thông Ba Lá

Đất trồng: Thông Ba Lá chủ yếu được trồng trên đồi núi trọc, đất trơ sỏi đá hoặc có trảng cỏ, cây bụi thấp. Nơi có thực bì cao, phát quang toàn diện, cần thiết có thể đốt; nếu thực bì thấp và thưa, không cần phát bỏ hoặc chỉ phát khu vực hố trồng.


Trồng rừng sản xuất Thông Ba Lá

Làm đất trồng theo phương thức trồng rừng cục bộ, hố đào trước khi trồng 1-2 tháng, kích thước 30x30x30cm hay 40x40x40cm.

Bà con lưu ý tháo bỏ lớp bầu nilon bên ngoài, đặt cây vào chính hố đã đào sau đó san lấp đất vào xung quanh cây sao cho cây đứng thẳng không bị đổ ngã. Tháng đầu tiên Bà con cần chăm sóc kỹ lưỡng hơn, tưới đủ ẩm, định kỳ bón phân, làm cỏ cho vườn thông để tránh sâu bệnh gây hại.